TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
(29-33)- Nỗi lo mai một nghề thêu tay Quất Động
(Ngày đăng: 15/10/2020   Lượt xem: 477)

“Đây là bức tranh Sơn thủy hữu tình, đã có khách người Nhật Bản trả tôi 500 triệu đồng, nhưng tôi không bán vì để dành làm phòng tranh; bức kia cũng có người trả 100 triệu đồng, tôi cũng không bán…” - nghệ nhân Hoàng Thị Khương ở thôn Quất Động (xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội) giới thiệu với chúng tôi từng bức tranh do chính bà thêu tay với niềm tự hào của người thợ tài hoa, khéo léo…

Nghệ nhân thêu tay Hoàng Thị Khương (xã Quất Động, huyện Thường Tín) bên bức tranh Sơn thủy hữu tình do bà thực hiện.

Quả thực, khi đến gần, nhìn kỹ từng chi tiết trên mỗi bức tranh sinh động với cây cối, dòng suối, núi đồi, hoa lá… mới thấy những bức tranh rực rỡ này được tạo bởi vô số đường chỉ đủ sắc màu, chúng tôi không khỏi trầm trồ về sự tài hoa, tỉ mỉ trước những tác phẩm tuyệt đẹp của người làng nghề thêu tay Quất Động.

Nằm ven quốc lộ 1, làng nghề thêu tay Quất Động từ lâu đã nổi tiếng bởi những tay kim tài hoa. Vào làng, nơi đâu cũng gặp từng nhóm người đủ lứa tuổi, song chủ yếu là phụ nữ cần mẫn bên khung thêu. Từng chân dung con người, cảnh vật, hoa lá… dần hiện ra trên khung vải dưới bàn tay thoăn thoắt của người làng nghề.

Các nghệ nhân ở thêu Quất Động

Các nghệ nhân ở thêu Quất Động

Trò chuyện với nghệ nhân Hoàng Thị Khương (sinh năm 1966), bà cho biết, người trong làng vẫn kể chuyện với sự tri ân về Tổ nghề thêu tay đã mang đến sinh kế cho người làng. Bên cạnh đền thờ Thành Hoàng làng là đền thờ cụ Lê Công Hành - người được tôn vinh là ông tổ nghề thêu Việt Nam. Theo nội dung trong văn bia thì Tiến sĩ Lê Công Hành, tên thật là Bùi Công Hành, là người làng Quất Động, sống ở cuối đời Trần, đầu đời Lê (khoảng thế kỷ XIV). Cụ  Lê Công Hành từng đi sứ, học nghề thêu rồi trở về truyền dạy cho dân làng Quất Động. Từ thế kỷ XVII, nghề thêu đã phát triển, nổi danh khắp nơi. Hằng năm, cứ vào ngày 12 tháng Sáu âm lịch là ngày giỗ cụ Lê Công Hành, dân làng và đại diện người dân địa phương làm nghề thêu đều về Quất Động cùng thành kính dâng hương tri ân Tổ nghề...

Trò chuyện với những người thợ trong nhóm thêu tại xưởng thêu của nghệ nhân Hoàng Thị Khương, họ cho biết, trước đây, có thời kỳ, sản phẩm thêu tay của Quất Động nổi danh khắp nơi bởi sự sáng tạo và trình độ tay nghề tinh xảo. Hàng thêu tay của Quất Động được xuất khẩu đi nhiều nước, đặc biệt là Nhật Bản - quốc gia ưa chuộng thêu tay trên nền áo kimono... Bởi vậy, từ xa xưa, người làng nghề Quất Động luôn gắn bó với nghề này, thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau, người dân Quất Động coi cây kim, sợi chỉ, khung thêu như một phần quan trọng của đời sống. Thu nhập từ nghề thêu tay dù không cao nhưng đủ cho người thợ sinh sống ở mức trung bình. Ở Quất Động, hầu như cả làng đều thạo nghề.

Theo bà Khương, để có bức tranh thêu, đầu tiên phải vẽ phác thảo mẫu bằng bút chì trên vải, sau đó người thợ theo nét chì đó để thêu. Kỹ thuật thêu ở Quất Động rất phong phú: Nối đầu, chặn, đâm xô, lùi, bó bạt, đột, thắt gút, kim tuyến… Trong đó, thêu nổi và kim tuyến tốn công nhất bởi sợi chỉ phải kín, thẳng nhưng vẫn phải uyển chuyển, tự nhiên, cân đối…

Nghề thêu nhẹ nhàng song rất cần kỹ thuật và sự khéo léo, tỉ mỉ, cần cù, sáng tạo của người thợ. Giá trị của tác phẩm thêu tay chính là chứa đựng tình cảm, tâm hồn, sự cảm thụ vẻ đẹp của người thợ. Theo kích cỡ và chi tiết của sản phẩm, người thợ có thể hoàn thiện trong vài ngày, vài tháng, thậm chí là vài năm, như bức tranh “Sơn thủy hữu tình” 2mx1,3m được nghệ nhân thực hiện trong vài năm…

Tranh thủ lúc nông nhàn, chị Nguyễn Thị Ngâm cùng chị em trong thôn Quất Động (xã Quất Động, huyện Thường Tín) thêu gia công cho nhà may áo dài.

Như nhiều làng nghề khác, nghề thêu tay của Quất Động cũng trải qua nhiều thăng trầm. Thịnh vượng nhất là những năm của thập kỷ 90, lúc đó, làng nghề làm không hết việc bởi sản phẩm được xuất khẩu tới các nước Đông Âu. Khi các nước này có biến động, việc xuất khẩu bị ngưng trệ, nghề của làng theo đó bị giảm dần…

Thoăn thoắt tay kim, bông sen hồng trên nền tà áo dài trên khung thêu dần hiện ra rất đẹp, chị Nguyễn Thị Ngâm (sinh năm 1968) chia sẻ: “Đây là tà sau, thêu đơn giản, trong 2-3 ngày là xong”. Chị Ngâm thường tranh thủ thêu lúc rảnh rỗi, chứ công việc đồng áng vẫn là chủ yếu. Năm nay, lúa bị chuột phá nên công thêu cũng đỡ được khá nhiều cho trang trải trong sinh hoạt… Hiện, đa số người làng nghề gia công cho các nhà may áo dài và làm theo đơn đặt hàng, mỗi ngày công được khoảng vài trăm nghìn đồng.

Vậy nhưng, hiện nay, do thêu máy thịnh hành nên nghề thêu tay ở Quất Động đang đứng trước nguy cơ mai một. Nhiều cơ sở đầu tư lớn, nhập máy thêu hiện đại, đáp ứng nhu cầu số đông khách hàng “dễ tính”; chỉ còn số ít nhà may thời trang cao cấp hoặc áo dài là sử dụng sản phẩm thêu tay. Bởi vậy, nhiều người trong làng “nản”, đã tìm nghề khác để có thu nhập…

“Dù vậy, không máy móc nào có thể thay thế được sản phẩm thủ công bởi trong đó có sự sáng tạo của từng nghệ nhân; đường kim, mũi chỉ do thêu tay luôn chắc chắn, tinh xảo và “có hồn” hơn thêu máy. Tin tưởng nghề vẫn có chỗ đứng tại thị trường “kỹ tính” nên chúng tôi bảo nhau tiếp tục tìm cách truyền nghề cho con cháu. Trước hết là tri ân Tổ nghề đã dạy cho dân làng sinh kế ngoài làm ruộng; còn nữa “ruộng bề bề không bằng nghề trong tay” nên nghề này với Quất Động cũng chính là nguồn thu nhập lúc nông nhàn; đặc biệt, chúng tôi rất quan tâm truyền nghề cho những người khuyết tật, người sức yếu bởi đây là công việc phù hợp để họ có thu nhập tự trang trải trong cuộc sống...” - nghệ nhân Hoàng Thị Khương tâm sự.

                                         Theo: hanoimoi.com.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.408.990
Tổng truy cập: