TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Xòe Thái trước nguy cơ biến dạng
(Ngày đăng: 12/06/2020   Lượt xem: 191)

Môi trường diễn xướng xòe Thái đang thay đổi do quá trình giao lưu văn hóa, ít nhiều phá vỡ tính nguyên bản của điệu xòe truyền thống.

Nghệ thuật xòe Thái đã trở thành một biểu tượng văn hóa của cộng đồng người Thái.
 
Nghệ thuật xòe Thái đã trở thành một biểu tượng văn hóa của cộng đồng người Thái.

Ở một số địa phương, di sản bỗng nhiên được phát triển rầm rộ, có xu hướng “hoành tráng hóa”, “sân khấu hóa”, lai tạp hóa, khiến cho di sản xòe Thái đối diện với nguy cơ biến dạng, bị bóp méo bản chất.

Nguy cơ biến dạng

Nghệ thuật xòe Thái đã trở thành một biểu tượng văn hóa của cộng đồng người Thái vùng Tây Bắc. Xòe đi vào trong tác phẩm văn chương, thi ca, trong hội họa, phim ảnh... là niềm tự hào về truyền thống văn hóa của người dân địa phương. 

Theo PGS.TS Từ Thị Loan - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, trải qua những thời kỳ phát triển khác nhau, sinh hoạt xòe Thái có những khi trở nên rất phổ biến hoặc ngược lại, bị gián đoạn, ngưng trệ. Gần đây, sinh hoạt xòe Thái đã được quan tâm phục hồi, nhanh chóng thể hiện sức sống mới. 

Tuy nhiên, bên cạnh việc đáp ứng các nhu cầu đa dạng của người dân và thể hiện sức sống mãnh liệt của di sản, sinh hoạt xòe Thái cũng đang vận động, biến đổi không ngừng với những biểu hiện mới, ý nghĩa mới và cả những vấn đề mới.

Một trong những điều đầu tiên phải nhắc đến đó là môi trường diễn xướng xòe Thái đang thay đổi do quá trình giao lưu văn hóa, ít nhiều phá vỡ tính nguyên bản của điệu xòe truyền thống. 

Nhận thức của một số người Thái về vai trò, tầm quan trọng của việc phải bảo vệ, trao truyền di sản để giữ gìn bản sắc văn hóa cộng đồng còn hạn chế khiến di sản có nguy cơ mai một. Thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn, năng lực quản lý về di sản văn hóa phi vật thể; khó khăn, eo hẹp về kinh tế nên nhiều địa phương chưa đủ điều kiện để xây dựng phong trào dân ca, tổ chức các hình thức sinh hoạt xòe, đặc biệt là ở các xã thuộc diện nghèo, vùng sâu, vùng xa...

 

Cũng theo PGS.TS Từ Thị Loan, trong bối cảnh xã hội đương đại với sự giao thoa văn hóa giữa cộng đồng các dân tộc trở nên thường xuyên, mạnh mẽ, sinh hoạt xòe Thái cũng có sự vận động, biến đổi cả trong chức năng, vai trò, hình thức trình diễn; trong tiết tấu âm nhạc, động tác múa, môi trường diễn xướng... 

Sự biến đổi này mang đến một nguy cơ đáng lo ngại khác, đó là ở một số địa phương, di sản bỗng nhiên được phát triển rầm rộ, biến đổi quá nhanh. Một số địa phương có xu hướng “hoành tráng hóa”, “sân khấu hóa”, lai tạp hóa di sản, khiến cho di sản xòe Thái đối diện với nguy cơ biến dạng, bị bóp méo bản chất.

Đơn cử, năm 2009, “Vòng xòe đại đoàn kết” của tỉnh Lai Châu có số lượng 1.332 người, đến năm 2013 màn “Đại xòe cổ” trong Lễ đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Xòe Thái - Mường Lò, Nghĩa Lộ” của tỉnh Yên Bái đã có sự góp mặt của 2.013 diễn viên, nghệ nhân và xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam. 

Mới đây, dư luận xã hội và các nhà nghiên cứu đã phải lên tiếng, nghiêm khắc cảnh báo để ngăn chặn việc tỉnh Yên Bái đăng ký hồ sơ kỷ lục Guinness thế giới cho “Màn đại xòe lớn nhất thế giới” có sự tham gia của 5.000 người.

 
Di sản nghệ thuật xòe Thái có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch văn hóa ở vùng Tây Bắc.

Sản phẩm du lịch văn hóa

Nghệ thuật xòe của người Thái là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc. Xòe Thái là bản sắc văn hóa đặc trưng, phương tiện để giao lưu, kết nối cộng đồng. Những năm qua, các địa phương có xòe Thái phát triển, như: Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu… thường xuyên quan tâm đến việc phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa xòe Thái thông qua ban hành các cơ chế, chính sách, đẩy mạnh việc thành lập các đội văn nghệ thôn, bản. Theo thống kê, hiện mỗi tỉnh đã có hàng trăm đội văn nghệ thôn bản, với hàng nghìn đội viên. Các đội văn nghệ này thường xuyên tham gia trình diễn múa xòe tại các lễ hội trong bản và giao lưu với các địa phương, tỉnh thành khác nhau.

Cùng với đẩy mạnh phát triển các đội văn nghệ thôn bản, mời các nghệ nhân về truyền dạy cho thế hệ trẻ ở các bản, làng một số địa phương còn xây dựng thử nghiệm các chương trình phối hợp, lồng ghép đưa nghệ thuật trình diễn dân gian, trong đó có xòe Thái vào các chương trình học ngoại khóa của nhà trường... Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, di sản nghệ thuật xòe Thái có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch văn hóa ở vùng Tây Bắc, có thể trở thành một loại hình du lịch di sản văn hoá hấp dẫn. Bằng chứng là nhiều địa phương đã xây dựng múa xòe thành sản phẩm du lịch mũi nhọn. Ví dụ, trong các chương trình nghệ thuật lớn của các tỉnh vùng Tây Bắc như Tuần Văn hóa du lịch tỉnh Sơn La, Tuần văn hóa du lịch Mường Lò (Yên Bái), Lễ hội hoa Ban (Điện Biên), Tuần Văn hóa du lịch tỉnh Lai Châu… đều tổ chức múa xòe.

Từ thực tế đó có thể thấy, mô hình du lịch cộng đồng sẽ đem lại hiệu quả trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản nghệ thuật xòe Thái. Bởi, trong mọi trường hợp cộng đồng luôn được xem là chủ nhân của các giá trị di sản văn hóa. Việc phát triển du lịch cộng đồng là một phương pháp bảo tồn, phát huy nghệ thuật xòe Thái trong bối cảnh hiện nay. Nhu cầu trải nghiệm văn hóa nói chung và trải nghiệm nghệ thuật biểu diễn của khách du lịch đang ngày càng cao. Cùng với đó, khi được hưởng lợi từ di sản, đồng bào sẽ tiếp tục có ý thức hơn trong việc bảo vệ di sản văn hóa. Điều này tạo điều kiện cho sự phục hồi, phát triển mạnh mẽ những giá trị văn hóa truyền thống của người Thái mà lâu nay do sự phát triển của xã hội đã dần bị mai một.

Hiện tại, hồ sơ nghệ thuật xòe Thái đã được trình UNESCO xem xét ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hy vọng, nghệ thuật xòe Thái sớm được vinh danh, trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với vùng Tây Bắc. 

                                                        Theo: giaoducthoidai.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.464.508
Tổng truy cập: