TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
(99)- “Cú hích” cho dòng tranh dân gian
(Ngày đăng: 12/04/2020   Lượt xem: 207)

Sau gần hai năm triển khai, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch vừa hoàn thiện hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” và đệ trình UNESCO xem xét ghi danh tại “Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Đây được xem là nỗ lực để gìn giữ tranh Đông Hồ, cũng như “cú hích” để khôi phục, phát triển những làng nghề tranh đã, đang mai một ở Việt Nam.  

Các nghệ nhân làng tranh Đông Hồ đang hoàn thiện tác phẩm.

Tại Việt Nam có nhiều dòng tranh dân gian, nhưng nổi bật hơn cả vẫn là tranh Đông Hồ (tỉnh Bắc Ninh). Đây là dòng tranh gắn bó và thể hiện sinh động xã hội nông nghiệp Việt cổ truyền, cuộc sống lao động của người nông dân bình dị, chất phác, phong tục, tập quán, sinh hoạt. Cứ bóc tách từng “lớp lang” văn hóa hiện trên mỗi bức tranh Đông Hồ, cũng đủ thấy vốn liếng văn hóa Việt giàu có, thuần khiết và trong sáng chừng nào.

Làng tranh Đông Hồ đến nay có lịch sử 400 năm. Trải qua thời gian, thú chơi tranh Đông Hồ, nhất là dịp Tết với người dân không còn sôi động như trước, nghề làm tranh ở làng Đông Hồ cũng mai một. Hơn 90% số hộ gia đình từ bỏ ván khắc, chuyển sang hoạt động nghề khác có thu nhập cao hơn như làm đồ vàng mã, hoặc sản xuất, buôn bán hàng hóa khác. Tranh Đông Hồ chỉ thật sự thức giấc trong thời gian gần đây, bởi nhận được những cơ chế chính sách hỗ trợ, những hoạt động xúc tiến du lịch và thương mại của tỉnh Bắc Ninh. Giờ đây, những người làm tranh làng Đông Hồ không chỉ sáng tạo những bức tranh truyền thống và hiện đại, mà còn trở thành “bảo tàng” sinh động phục vụ du khách bốn phương. Những nỗ lực của các nghệ nhân tâm huyết với nghề làm tranh Đông Hồ đã và đang gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc trong xu thế mới.

Theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Thị Thu Hiền, việc xây dựng hồ sơ di sản đệ trình UNESCO là một trong những hoạt động thiết thực để bảo vệ, phát huy giá trị di sản, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng chủ thể di sản Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đối với giá trị di sản họ nắm giữ. Qua đó, tăng cường ý thức về vai trò, trách nhiệm cụ thể của họ đối với sự thực hành và trao truyền di sản. Bên cạnh đó, việc xây dựng hồ sơ thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, các cấp chính quyền, các nhà quản lý và nghiên cứu văn hóa, các tổ chức và cá nhân liên quan trong nỗ lực chung bảo vệ và phát huy giá trị di sản cùng cộng đồng.

Việc tranh dân gian Đông Hồ nâng tầm nhân loại, theo nhiều người dân còn mang ý nghĩa khác, đó là tác động đến các làng nghề tranh dân gian ở Việt Nam tìm lại chỗ đứng vốn đã, đang lụi tàn và mai một. Có thể kể đến tranh Hàng Trống (Hà Nội) cũng xuất hiện từ khoảng 400 năm trước. Dòng tranh Hàng Trống thực sự phát triển cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nhưng càng về sau dòng tranh này bắt đầu bị cuốn trôi theo cơn lốc thị trường. Nhiều dòng tranh hiện đại với đủ phong cách và thể loại khiến tranh Hàng Trống bị lấn át. Không còn sống được với nghề, nhiều nghệ nhân bỏ cuộc. Số khác quyết liệt đeo bám, mong muốn níu giữ giá trị còn sót lại của truyền thống gia đình, nhưng dần dà cũng “đầu hàng” trước sự vô hạn của thời gian. Nghệ nhân Lê Đình Nghiên là người cuối cùng còn thành thạo kỹ thuật vẽ tranh Hàng Trống. Dù biết “lép vế” trước những biến thiên xã hội và nhu cầu của người thưởng thức, nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẫn bám trụ với nghề.

Tranh làng Sinh (Thừa Thiên Huế) cũng nức tiếng một thời, có tuổi đời hàng trăm năm và có giá trị cao trong đời sống văn hóa người Việt. Nhưng nghề làm tranh giấy truyền thống làng Sình mai một dần, vì làm ra bán không ai mua, người dân bỏ giấy, bỏ mực chuyển sang làm những nghề khác để mưu sinh. Thậm chí có thời điểm, tranh làng  Sình bị xem là văn hoá phẩm dị đoan, tiếp tay cho các lễ nghi cúng bái rườm rà… nên bị cấm sản xuất, ván khắc bị thu hồi, phá bỏ. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường, người dân Huế cũng dần quên đi mình  từng có  tín ngưỡng, truyền thống tốt đẹp. Nghề tranh làng Sình gần như thất truyền. Năm 1996, Nhà nước có chủ trương phục hồi tranh làng Sình, thế rồi làn sóng khôi phục dòng tranh này trỗi dậy. Năm 2007, tranh làng Sình được tôn vinh như di sản văn hóa của dân tộc cần được gìn giữ, bảo tồn. Cùng với sự quan tâm của Nhà nước là sự phát triển của loại hình du lịch văn hóa làng nghề tạo điều kiện hồi sinh tranh cổ làng Sình, dù chưa thật sự xứng tầm với giá trị của dòng tranh này đem lại.

Dù thăng trầm, có lúc bên bờ tuyệt tích, rõ ràng, các dòng tranh dân gian ở Việt Nam vẫn hiện diện trong đời sống xã hội. Và việc “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” đang đi đến đích cuối để UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp như cú hích. Bởi điều này đánh động trong mỗi chúng ta cần nhìn lại, đánh giá và phục hồi những dòng tranh cổ để những giá trị văn hóa đặc sắc này mãi trường tồn...

                                                    Theo: Baohaiphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.458.019
Tổng truy cập: