TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
(20) - Đổi thay ở một miền chiến địa
(Ngày đăng: 04/09/2019   Lượt xem: 298)
Trong những ngày tràn ngập hào khí của “Mùa Thu cách mạng”, tìm về với các di tích lịch sử của những ngày đầu dựng nước và giữ nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo có tên Định Hóa (Thái Nguyên), chúng tôi không khỏi vui mừng với những gì được tận mục sở thị.

Rừng Định Hóa ngăn ngắt xanh, nắng Thu vẫn tỏa sắc vàng lên những di tích như Đèo De, Đồi Phong Tướng, thác Khuôn Tát… cùng với đó là sự vươn lên mạnh mẽ của người và đất ở mảnh đất chiến khu một thời này.

Một thời để nhớ

Nếu nói về địa lý thì An toàn khu (ATK) Định Hóa có vẻ xa xôi với ATK Tân Trào nhưng thực ra khoảng cách hai khu ATK này gần gụi lắm, chỉ là bên kia và bên này núi Hồng mà thôi. Nếu như ATK Tân Trào được xây dựng năm 1941 thì ATK Định Hóa được hình thành năm 1946, lúc ta thực hiện cuộc kháng chiến toàn quốc chống lại thực dân Pháp. Khi được xây dựng, ATK Định Hóa đã trở thành một liên kết với ATK Tân Trào để Bác và các đồng chí lão thành của ta đi lại hoạt động, chỉ đạo cuộc kháng chiến.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa.

Với địa thế “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ công” (tiến dễ và rút cũng dễ) ATK Phú Đình có tới 130 điểm di tích ghi dấu ấn một thời của chiến khu Việt Bắc. Ngoài nhà sàn Tổng Bí thư Trường Chinh, Nhà in báo Sự thật, Trường Đảng… trong đó có 20 di tích xếp hạng cấp Quốc gia. Và từ năm 2012, Khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa được Đảng, Nhà nước xếp hạng là Khu Di tích Quốc gia đặc biệt.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tại ATK Định Hóa, Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã đặt đại bản doanh để lãnh đạo kháng chiến. Tại đây, nhiều quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh đất nước đã ra đời. Đặc biệt ngày 6/12/1953, ở mái lán Tỉn Keo (Phú Đình), Bộ Chính trị đã họp, ban hành Quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi. Để bây giờ mỗi tên làng, tên núi và bao con người trên miền đất ATK Định Hóa được lưu danh thiên sử.

Ngày mới trên đất chiến khu

Cách thành phố Thái Nguyên khoảng hơn 70km, ngày nay đường vào ATK Định Hóa nay đã dễ đi nhiều lắm vì đường đã được nhựa hóa cơ bản. 72 năm kể từ ngày được Đảng và Bác Hồ lựa chọn làm chiến khu cách mạng đến nay, giờ nếu ngược ngàn, đến với Định Hóa, “chắp xưa, nối cũ” về lịch sử của mảnh đất này, người ta mới thấy sự vươn lên hết sức ngoạn mục giữa đất và người. Những anh em các dân tộc trên đây như Tày, Nùng, Dao một thời đùm bọc, nuôi giấu các cán bộ cách mạng nay đã đoàn kết, nắm tay nhau để xây dựng lên một Định Hóa ngày một giầu đẹp hơn.

Cây đa Khuôn Tát, nơi có tấm bia ghi lời dặn của Bác Hồ khi giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi cầm quân đi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cây đa Khuôn Tát, nơi có tấm bia ghi lời dặn của Bác Hồ khi giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi cầm quân đi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Với dáng vẻ bận rộn và hết sức chân tình của người chiến khu, ông Hoàng Văn Sơn - Chủ tịch UBND huyện cho biết, những ngày này Định Hóa vừa bận vừa vui. Ngày nào cũng có khách đến liên hệ nhờ được đưa tới các cụm di tích đã được xếp hạng trên địa bàn để dâng hương hoa và tìm hiểu. Toàn là khách miền xa cả, mình lại là người vùng chiến khu nên không chu đáo là không được đâu. Xưa Bác Hồ và các đồng chí lão thành cách mạng đã không quản khó khăn tìm lên đây cùng dân gây dựng cách mạng và lãnh đạo kháng chiến thắng lợi. Nay, mình là người đi sau, không phát huy được sở trường, để dân đói, dân khổ là có lỗi với những người đi trước lắm.

Theo ông Sơn, để Định Hóa thoát nghèo, ngoài việc nắm bắt và thực hiện cho bằng được các chủ trương, đường lối của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở thì huyện cũng tìm cách thoát nghèo bằng hướng riêng cho mình. Hướng ấy không có gì bằng việc dựa vào thế mạnh của đất và người nơi đây. Theo chủ trương này, ngoài việc đưa các giống cây con vào thì Định Hóa vẫn chú tâm đến thế mạnh vườn rừng và các cây công nghiệp truyền thống, trong đó có cây chè.

Để phát huy thế mạnh cây chè, bằng việc huy động nội lực cũng như các nguồn vốn mà tính đến thời điểm này, Định Hóa đã trồng được trên 2.500 ha chè với sản lượng chè búp tươi hàng năm trên 25.000 tấn và năng suất bình quân trên 110 tạ/ha. Cùng với việc phát triển vùng nguyên liệu, Định Hóa cũng xây dựng và đầu tư cho 19 làng nghề chè truyền thống tại 8 xã vùng chè trọng điểm là Trung Lương, Bình Yên, Thanh Định, Điềm Mặc, Phú Đình, Sơn Phú, Bộc Nhiêu và Trung Hội. Nằm trong các làng nghề này còn có 2 hợp tác xã và 10 tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Việc phát triển làng nghề chè cùng chính sách hỗ trợ của huyện đã tạo động lực giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện, các làng nghề chè đang giải quyết việc làm ổn định cho trên 1.500 lao động với mức thu nhập bình quân đạt từ 3,5 triệu  đến 5 triệu/người/tháng.

Ngoài chè thì cây quế cũng đang mang lại giá trị lớn cho người dân Định Hóa.

Ngoài chè thì cây quế cũng đang mang lại giá trị lớn cho người dân Định Hóa.

Bên cạnh cây chè thì cây quế lâu nay cũng là cây có thế mạnh ở đất Định Hóa. Để tận dụng thế mạnh này, bằng sự khuyến khích và đầu tư, hiện huyện cũng đã trồng được khoảng 200 ha quế. Khác với các cây trồng khác, sản phẩm từ quế như lá, cành, vỏ, thân đều bán được với giá cao, mang lại thu nhập thường xuyên và sau 15 năm trồng, mỗi ha quế trên này sẽ mang lại thu nhập từ 450 đến 550 triệu đồng.

Bằng việc tận dụng thế mạnh của các loại công nghiệp cũng như phát triển dịch vụ mà trong những năm qua ATK Định Hóa - một trong những huyện khó khăn của tỉnh Thái Nguyên đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế, xã hội. Công tác giảm nghèo của huyện Định Hóa đạt được những kết quả tích cực và đã đưa tỷ lệ hộ nghèo đầy cam go của những năm trước xuống còn 14,37%.

Cách trung tâm huyện Định Hóa khoảng hơn 10km, xã ATK Phú Đình được coi là xa xôi nhất cùng với những chuyện ngổn ngang của đói nghèo dạo nào. Tuy nhiên, cùng với huyện, người dân Phú Đình cũng đã nhanh chóng vươn lên để thoát nghèo. Với gần 290ha đất cấy lúa cả năm, bà con đã mạnh dạn sản xuất giống lúa Bao thai đặc sản hàng hóa và đưa một số giống lúa lai vào gieo cấy cùng đó là cây ngô cao sản. Bằng việc thâm canh này nên tổng sản lượng cây lương thực, cây có hạt của xã đã tăng khoảng 5-10%/năm.

Phú Đình nắng chiều rót vàng như mật xuống Đèo De - với tiếng ve kêu và một sắc vàng rực lửa của rừng phách. Một niềm vui nữa đến cùng chúng tôi khi được Chủ tịch UBND huyện Hoàng Văn Sơn cho biết: Mới đây, tỉnh Thái Nguyên vừa thông qua chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ATK và vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn trên địa bàn Định Hóa giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 42 triệu đồng, 100% các tuyến đường giao thông liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 40% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới và giảm số hộ nghèo bình quân hàng năm từ 3% trở lên…
                                                                  Theo: congluan.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.458.093
Tổng truy cập: