TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Ngày Xuân đến thăm làng nghề sơn mài Hạ Thái
(Ngày đăng: 13/02/2019   Lượt xem: 328)
Đến làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội), nhìn những sản phẩm sống động, tinh xảo, hẳn ai cũng phải xuýt xoa, thán phục thành quả lao động của những nghệ nhân nơi đây.
Sản phẩm sơn mài Hạ Thái thu hút khách tham quan. Ảnh: VGP/Diệu Anh

 

Tương truyền, nghề sơn mài Hạ Thái có từ khoảng thế kỷ XVII, lúc đó mới chỉ là nghề sơn đồ nét. Tuy không phải là phường tổ nghề sơn của Việt Nam nhưng phường sơn Hạ Thái ngày trước được trọng dụng vì có nhiều thợ tài hoa, khéo léo, sáng tạo.

Đầu thập niên 30 của thế kỷ XX, những họa sĩ Việt Nam đầu tiên học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương đã tìm tòi phát hiện thêm các vật liệu màu khác như vỏ trứng, ốc, cật tre… và đặc biệt là đưa kỹ thuật mài vào để tạo nên kỹ thuật sơn mài độc đáo trong sáng tác những bức tranh sơn mài thực sự. Thuật ngữ “sơn mài” và “tranh sơn mài” cũng xuất hiện từ đó. Tranh sơn mài sử dụng các vật liệu màu truyền thống của nghề sơn như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai… vẽ trên nền vóc màu đen.

Để có một sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ phải kiên trì làm thủ công mất hàng tháng trời. Sản phẩm sơn mài Hạ Thái từ khi bắt đầu đến khi hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn kỹ thuật mới bảo đảm chất lượng.

Theo truyền thống, quy trình làm ra một sản phẩm sơn mài gồm 12 công đoạn. Các bước này đều liên quan chặt chẽ với nhau, nếu thiếu một công đoạn nào đó thì sản phẩm không thể hoàn thiện, không bền, không đẹp.

Công đoạn đầu tiên là chọn chất liệu cốt nền. Nếu như các sản phẩm sơn mài truyền thống chỉ dùng cốt nền tre, gỗ, thì ngày nay, nghệ nhân có thêm sự lựa chọn là gốm và sứ. Các công đoạn làm nghề cùng các loại nguyên liệu cũng có nhiều thay đổi, tiếp cận với nguồn nguyên liệu và kỹ thuật hiện đại, đồng thời vẫn giữ được nét tinh túy, riêng biệt của nghề sơn mài truyền thống. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người làm nghề phải kiên nhẫn, tỉ mỉ. Trong từng thao tác đều cần đến sự chính xác gần như tuyệt đối.

Bên cạnh việc kế thừa truyền thống nghề của cha ông, với sức sáng tạo mới, nghệ nhân ngày nay đã tạo ra rất nhiều loại sản phẩm phong phú, đa dạng, hình thức, mẫu mã đẹp, gần gũi với đời sống sinh hoạt hằng ngày như bình hoa, bát, khay... Ngoài các mặt hàng sơn mài, các sản phẩm sơn son thếp vàng như đồ thờ, hoành phi, câu đối, tượng Phật… cũng được đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân thể hiện bằng những đường nét tinh xảo.

 

Sản phẩm sơn mài của làng nghề Hạ Thái khá đa dạng. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Mặc dù các sản phẩm làm ra đẹp là vậy nhưng nỗi lo lớn nhất của người dân Hạ Thái bây giờ là lớp trẻ không thích học nghề sơn mài của cha ông. Hiện, chỉ còn khoảng 50% số người dân trong làng còn gắn bó với nghề và họ cũng đã ở độ tuổi 40. Nguyên nhân chính có lẽ là do nghề này đòi hỏi kỹ thuật công phu, tỉ mẩn và những người nhẫn nại, kiên trì thì mới theo được nghề.

Ông Đỗ Hùng Chiêu, Chủ tịch Hội làng nghề sơn mài Hạ Thái cho biết, những năm gần đây, nghề làm sơn mài ở Hạ Thái cũng bắt đầu có sự biến động. Nếu như 10 năm trước, Hạ Thái là trung tâm hoàn thiện sản phẩm trước khi xuất khẩu thì nay những làng nghề xung quanh như gốm, mây tre đan cũng đã tự học làm sơn mài để cạnh tranh với Hạ Thái. Bên cạnh đó, người làm nghề ở Hạ Thái cơ bản vẫn là thợ thủ công; khâu quảng bá, xúc tiến thương mại còn hạn chế, vì thế, sản phẩm làm ra rất khó chiếm lĩnh thị trường...

Nhận thấy tiềm năng phát triển của làng nghề sơn mài Hạ Thái, những năm qua, Thành phố Hà Nội đã quan tâm, chú trọng đưa ra nhiều chính sách để giúp làng sơn mài Hạ Thái phát triển các sản phẩm sơn mài của mình như đưa Hạ Thái trở thành 1 trong 7 điểm du lịch làng nghề của Thủ đô với quy hoạch riêng một khu, cụm làng nghề Hạ Thái, đồng thời đưa các sản phẩm tranh sơn mài Hạ Thái đến các triển lãm, hội chợ,…

Sau nhiều năm làm nghề lẻ tẻ, những người thợ giờ đây đã được tập trung về một khu sản xuất. Có được chốn riêng, người làm nghề vừa thuận lợi trong việc thực hiện những sản phẩm phức tạp vừa thuận cho việc đầu tư, quảng bá và du khách đến tham quan cũng tiện lợi hơn. Chính việc quy hoạch bài bản đã tạo cho làng nghề trụ lại được như hiện tại.

Nói gì thì nói cho đến nay, nhiều người dân Hạ Thái vẫn nặng lòng với nghề bởi từ thuở bé, họ quá quen với mùi sơn đó. Người làm nghề vẫn đau đáu một điều rằng giữ nghề thật tốt để sơn mài phát triển hơn trong cuộc sống hiện đại…

Nhìn dưới góc độ văn hóa thì làng nghề sơn mài Hạ Thái hội tụ đầy đủ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của một làng nghề truyền thống lâu đời của đất Thăng Long ngàn năm văn vật.
                                                                          Theo: baochinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.409.158
Tổng truy cập: