TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Độc đáo chiếc cối gỗ
(Ngày đăng: 22/01/2019   Lượt xem: 258)
 
 
Không chỉ là một đồ dùng trong gia đình mà chiếc cối gỗ còn thể hiện một nét văn hóa đặc biệt của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, có lẽ cũng vì thế mà việc gìn giữ cũng như truyền nghề chế tạo ra loại dụng cụ này được xem là cách để người dân có thể bảo tồn và phát triển được nét văn hóa đặc biệt của quê hương…

Không biết chính xác từ bao giờ, nhưng từ đời này truyền đời khác chiếc cối giã gạo đã gắn liền với đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ, nhiều vật dụng hiện đại hơn xuất hiện, chiếc cối gỗ đã có phần bị thay thế và quên lãng.

Thế nhưng tại làng Breng, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa vẫn có những con người ngày ngày kiên trì, bám nghề làm cối gỗ và truyền lại cho các thế hệ sau với mong muốn giữ được hồn dân tộc giữa cuộc sống hiện đại, náo nhiệt. Để làm được một sản phẩm cối gỗ, người thợ phải trải qua rất nhiều khâu, mất nhiều công sức.

Từ tách vỏ gỗ, tạo lòng đến mài nhẵn bề măt cối. Gỗ để làm cối thường là gỗ mít và gỗ cây tơ nang. Nét độc đáo của nghề này là có thể tận dụng mọi thứ trên thân cây để làm nguyên liệu.Thân gỗ lớn dùng để làm cối lớn, thân nhỏ thì làm cối nhỏ. Nhánh nhỏ hơn thì dùng để làm chày. Anh Nhun, một người dân làng Breng cho biết: “Làm cối cũng rất khó, lúc làm phải rất cẩn thận để không bị cưa cắt vào tay chân. Mình phải làm đẹp thì người ta mới mua. Mình bán được ở Kon Tum, Đức Cơ… và nhiều nơi khác nữa”.

doc dao chiec coi go
Chiếc cối được làm bằng gỗ từ lâu đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong nhiều gia đình đồng bào dân tộc Tây Nguyên. (Ảnh tư liệu)

Lúc nào cũng tỉ mẩn và tất bật với công việc của mình anh em Hler luôn chăm chút cho những chiếc cối gỗ mà họ làm ra. Dù công việc có phần nặng nhọc nhưng hai anh em cảm thấy rất vui vì họ cần phải đẩy nhanh tiến độ để làm ra những sản phẩm có chất lượng giao cho khách hàng. Người anh nói, cần làm xong 7 chiếc cối gỗ trong ngày để giao cho khách.

“Những chiếc cối này làm từ gỗ along răng mình chặt trên rẫy. Loại gỗ này không phổ biến lắm nhưng mình nuôi cây từ nhỏ nên chặt về làm luôn. Cây xẻ ra được 7 khúc gỗ dài 40 cm, gọt vỏ, bào nhẵn bên ngoài, sau đó dùng máy đục phần lòng cối, tạo độ sâu chừng 1 gang tay. Phần còn lại phải làm thủ công sao cho chiếc cối thật nhẵn cả bên trong lẫn bên ngoài”, người em giới thiệu về các công đoạn để làm ra chiếc cối gỗ.

Cả hai anh em đều cho rằng, trước đây ông bà làm thủ công hoàn toàn nên mỗi ngày chỉ làm xong được 1 chiếc, nhưng nay có máy móc hỗ trợ nên có thể hoàn thành 4-5 chiếc cối/ngày. Khác với anh em Hler thường “bỏ sỉ” sản phẩm làm ra cho một người trong làng, A Rơnh thường mang thành phẩm đi bán dạo khắp các làng. A Rơnh nói, anh có hơn chục năm làm công nhân cao su nhưng mấy năm nay nghỉ hẳn ở nhà làm chày cối vì nghề truyền thống này cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần.

“Nếu có sẵn gỗ, mỗi ngày mình làm được từ 3 đến 5 chiếc cối, giá mỗi chiếc loại nhỏ dao động từ 150 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng, loại lớn 400-500 ngàn đồng. Mỗi tháng mình làm và bán 3-4 đợt như vậy cũng đủ tiền lo cho gia đình và các con ăn học”, anh A Rơnh vui vẻ chia sẻ.

Ở Breng nếu như trước đây, nhiều người làm cao su thì bây giờ nhiều người quay trở về với nghề truyền thống. Người già thì đan lát, làm gùi, người trẻ thì ham mê làm cối gỗ, công việc cần nhiều sức lực hơn là sự khéo léo. Có thể nói không ngoa, chiếc cối gỗ là hình ảnh thân thuộc của người bản địa Tây Nguyên. Không có thứ gì không đi qua miệng cối trước khi đến với bữa ăn gia đình, từ gạo, bắp, lá mì, lá đu đủ đến những trái ớt, hạt tiêu rừng.

Vì thế mà tiếng chày đã trở thành âm thanh của ký ức, của niềm thương nhớ mỗi đứa con khi xa làng. Rồi máy xay, máy xát về tới tận làng đã làm giảm hẳn vai trò của những chiếc cối giã. Vậy mà ở làng Breng, người người quay về với nghề làm cối gỗ truyền thống khiến cho hình ảnh chiếc cối giã không còn xuất hiện lặng lẽ mà trở thành mặt hàng sinh động, có ở khắp mọi nơi, từ bức tranh lao động chung của làng đến những câu chuyện mưu sinh của nhiều gia đình.

Trăn trở về một thương hiệu cho làng nghề, trưởng thôn Thin đã mang sản phẩm của làng đi rao bán khắp nơi. Mỗi chiếc cối được bán với giá từ 200- 500 ngàn đồng tùy kích cỡ lớn nhỏ. Những chiếc cối của làng Breng đã len lỏi vào tận căn bếp của người dân và trở thành vật dụng được ưa chuộng của mỗi gia đình.

Anh Thin chia sẻ: “Một ngày 1 người làm được 5 cái cối, không đáp ứng được nhu cầu bên ngoài đâu, vì nhiều hộ dân họ thích lắm. Đây là nghề truyền thống của dân tộc, mong muốn nghề này được duy trì đến con cháu, để phát triển kinh tế”.

Tuy nhiên, với điều kiện thực tế hiện nay, khi không còn được tùy tiện lấy gỗ từ rừng, việc tìm một cây gỗ để làm cối cũng trở nên khó khăn hơn. Chính vì vậy, để nghề truyền thống này được giữ gìn, phát huy cũng cần có một giải pháp dài hơi để giải quyết nguồn nguyên liệu làm cối, giúp người dân có công việc lâu dài, thêm thu nhập, ổn định kinh tế.

“Hồi trước, hầu hết người dân trong làng đều đi làm công nhân cao su. Nhưng từ năm 2014 trở lại đây, giá mủ cao su xuống thấp, đời sống bấp bênh lắm, nhiều người không đủ nuôi con nên nghỉ việc về làng tìm kế khác mưu sinh. Ngoài ruộng rẫy, họ tìm về nghề truyền thống như đan lát, làm cối”, anh Thin cho biết.

Tuy vậy, nghề truyền thống sẽ không được hồi sinh mạnh mẽ nếu không có thị trường cho sản phẩm. Những chiếc cối gỗ từ làng Breng đến khắp các ngôi làng trong tỉnh, thậm chí được đưa lên cả tỉnh Kon Tum và luôn được đón nhận, thậm chí không có hàng để bán. Theo anh Thin, gỗ làm cối không nhất thiết phải là gỗ quý. Gỗ mít và gỗ cây tơ nang là 2 loại chủ yếu để làm cối ở làng Breng. Gỗ mít có thể mua trong làng, nhưng gỗ tơ nang thì phải xuống Mang Yang hay xa hơn nữa là Đak Pơ hay Kông Chro.

Gỗ tơ nang là loại rất chắc, rất khó cắt và quá trình đẽo, đục, gọt làm ra chiếc cối cũng mất nhiều công sức hơn. Loại cối này cũng có độ bền cao, có khi cả đời người không hư. Còn gỗ mít thì mềm hơn, làm cối dễ hơn nhưng độ bền chắc thì không bằng tơ nang, vì thế mà cối bằng gỗ mít cũng rẻ hơn.

Khi không còn được tùy tiện lấy gỗ từ rừng, việc tìm một cây gỗ để làm cối giã cũng trở nên khó khăn với nhiều người bản địa. Việc chọn mua một chiếc cối làm sẵn là giải pháp nhanh gọn, và đây cũng là lý do để hồi sinh nghề truyền thống này ở Breng. Bởi nếu không có hướng đi cụ thể thì một nghề truyền thống sẽ rất có thể bị mai một và thế hệ con cháu chúng ta sẽ chỉ biết được chúng qua những lời kể hay tư liệu lịch sử.
                                                                                     Theo: phapluatxahoi.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

14
Đang xem:
72.465.135
Tổng truy cập: