TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Chiếu cói “xứ Nẫu” rộn ràng đón Tết
(Ngày đăng: 12/01/2019   Lượt xem: 518)
“Xứ Nẫu” là tên gọi chung dành cho 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên. Ở “xứ Nẫu” này có 2 làng chiếu cói nổi tiếng với lịch sử tồn tại và phát triển hàng trăm năm. Đó là làng chiếu cói Gia An Đông (xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) và làng chiếu cói Phú Tân (xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Trong những ngày này, người làm nghề đang tất bật chạy đua với thời gian để dệt chiếu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Một góc cánh đồng cói ở Gia An Đông. Ảnh: Sỹ Hòa.

Đến 2 làng nghề này, cứ cách vài nhà lại thấy một nhà làm nghề chiếu cói thủ công với khung dệt chiếu vang lên lạch cạch bên trong và chiếu vừa dệt xong được trải phơi bên sân ngoài. Từ lâu, dù có nhiều loại chiếu nhựa, chiếu trúc… ra đời nhưng các làng chiếu cói được dệt bằng tay vẫn tồn tại, được thị trường chấp nhận và là nghề mưu sinh của nhiều hộ dân.

Nguyên liệu cói đã được phơi khô tại một cơ sở ở Phú Tân. Ảnh: Sỹ Hòa.

Sau khi dệt, chiếu cói ở Gia An Đông được đem ra phơi khô. Ảnh: Sỹ Hòa.

Theo cụ Nguyễn Thuấn (86 tuổi, ở Gia An Đông), từ nhỏ ông đã nghe người xưa truyền lại rằng, ông tổ của làng nghề là người từ ngoài Bắc vào, phát hiện ra vùng đất đai trù phú Gia An Đông nên đem về những cây cói trồng cấy, dệt nên những chiếc chiếu đầu tiên và dệt cả một truyền thống văn hóa, cách nay khoảng 200 năm.

Cụ Lê Thị Quanh (79 tuổi, ở thôn Phú Tân) cho biết: “Nghề này, từ lúc tôi còn bé đã thấy cha mẹ làm, lớn lên rồi lấy chồng người địa phương nên tôi giữ nghề cho đến nay. Tôi nay đã gần 80 tuổi, mà trước đó cha mẹ tôi đã dệt chiếu rồi nên nghề này phải có từ hơn trăm năm trước. Cả đời tôi chỉ làm mỗi nghề dệt chiếu”.

Các cụ già ở Gia An Đông dệt chiếu theo phương thức truyền thống. Ảnh: Sỹ Hòa.

May đường viền để hoàn chỉnh sản phẩm chiếu ở Gia An Đông. Ảnh: Sỹ Hòa.

Hiện nay, chiếu cói dệt thủ công vẫn được thị trường đón nhận nhưng giá rẻ hơn so với chiếu cói dệt máy. Vì hiệu quả kinh tế, nhiều gia đình của 2 làng nghề này đã đầu tư máy móc, cơ giới hóa một phần khâu sản xuất để cho ra nhiều sản phẩm chất lượng tốt, độ bền cao.

Ở Phú Tân hiện có khoảng 250 hộ làm nghề dệt chiếu cói. Trong đó, có 2 tổ hợp tác và 5 hộ dân dệt chiếu bằng máy. Theo Nguyễn Minh Quang (66 tuổi), làm nghề chiếu cói thủ công thì mỗi ngày 2 người làm giỏi được 3 - 4 đôi là cùng. Nếu làm thủ công giá bán chỉ 70.000 - 90.000 đồng/đôi 1,6m. Nhưng cũng với kích thước ấy, nếu làm máy thì 3 người làm mỗi ngày được 18 đôi chiếu với giá bán 160.000 đồng/đôi.

Làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân tạo việc làm cho 400 - 500 lao động địa phương, đặc biệt là những người lớn tuổi và lao động nông nhàn. Mỗi năm, các hộ sản xuất của làng nghề cung cấp khoảng 500.000 - 600.000 chiếc chiếu cho thị trường. Tổng giá trị sản phẩm tiêu thụ của làng nghề bình quân đạt trên 5,3 tỷ đồng/năm.

Nhiều gia đình ở Phú Tân đầu tư máy dệt để tăng năng suất sản phẩm. Ảnh: Sỹ Hòa.

Người làm chiếu ở Phú Tân cắt phần thừa ở viền. Ảnh: Sỹ Hòa.

Trong khi đó, ở thôn Gia An Đông có hơn 350 hộ làm nghề dệt chiếu cói, vừa dệt theo kiểu truyền thống, vừa trang bị máy dệt hỗ trợ. Có nhà có 6, 7 đời truyền nghề làm chiếu cói. “Gia đình tôi đầu tư 5 máy dệt chiếu, xuất bán ra thị trường trên 1.500 chiếc chiếu/tháng với giá 70.000 - 120.000 đồng/chiếc, tùy kích cỡ. Bình quân mỗi tháng, sau khi trừ mọi chi phí gia đình tôi thu nhập khoảng 15 triệu đồng. Dịp Tết Nguyên đán giá cả có tăng chút đỉnh nên doanh thu cũng tăng lên. Ngoài lao động trong gi đình, tôi còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động nông nhàn ở địa phương”, ông Lý Văn Khánh (ở thôn Gia An Đông) chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Đình Huấn - Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Châu Bắc, trước đây bà con làng nghề dệt chiếu cói Gia An Đông chỉ sản xuất thủ công. Nhưng nay, nhờ sự quan tâm của các chính quyền địa phương và ngành chức năng, các chủ cơ sở, hộ dân làm nghề dệt chiếu đã đầu tư máy móc, tăng năng suất lao động, cải tiến mẫu mã nên sản phẩm làm ra tiêu thụ mạnh. Tổng doanh thu hàng năm của làng nghề bình quân đạt từ 7 - 8 tỷ đồng.

Sản phẩm chiếu cói ở Phú Tân. Ảnh: Sỹ Hòa.

Chiếu cói của 2 làng nghề nổi tiếng ở “xứ Nẫu” không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân trong địa phương mà còn vươn mình ra cả nước, khẳng định vị thế ở các thị trường lớn như Đông Âu, Đông Nam Á. Hàng trăm năm tồn tại là quãng thời gian dài, đầy thăng trầm, biến cố; cũng là quãng thời gian đủ để định vị sức sống, giá trị của 2 làng chiếu nổi tiếng ở khu vực Trung Trung bộ này.

                                                                           Theo: thegioitiepthi.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

23
Đang xem:
72.408.804
Tổng truy cập: