TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Chuồn chuồn tre Thạch Xá ‘vươn cánh’ bay xa
(Ngày đăng: 02/01/2019   Lượt xem: 540)
 Làm chuồn chuồn tre ở Thạch Xá (Thạch Thất, Hà Nội) giờ không chỉ còn là công việc phụ để kiếm thêm thu nhập mà còn là nghệ thuật, là niềm đam mê của người dân nơi đây.

Anh Nguyễn Văn Tái, người làm chuồn chuồn tre nổi tiếng trong vùng. Ảnh: VGP/Thùy Linh


























 

Thạch Thất là vùng đất cổ, có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Trên địa bàn huyện có khoảng 50 làng có nghề, trong đó có 10 làng nghề được cấp bằng công nhận “Làng nghề truyền thống”. Nhiều làng nghề truyền thống đã sản xuất ra những sản phẩm tạo nên “thương hiệu” của Thạch Thất – xứ Đoài như: Chè lam Thạch Xá; chè kho Đại Đồng; mộc Chàng Sơn, Hữu Bằng, Canh Nậu, Dị Nậu; mây tre giang đan Bình Phú; chuồn chuồn tre Thạch Xá; cơ kim khí Phùng Xá; điêu khắc đá ong ở Bình Yên…

Đến làng nghề Thạch Xá du khách sẽ có dịp tìm hiểu về quy trình tạo ra những chú chuồn chuồn đầy màu sắc, tận hưởng không gian làng xã Việt Nam truyền thống.

Chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Tái, một trong số những người đầu tiên làm thành công và mở rộng được hình ảnh chuồn chuồn tre Thạch Xá. Anh Tái chia sẻ, nghề làm đồ chơi chuồn chuồn mới xuất hiện khoảng 20 năm trở lại đây. Ban đầu có hơn 10 hộ gia đình mở cơ sở sản xuất, nhưng rồi nhiều người đã bỏ nghề do khó khăn. Hiện trong làng chỉ còn khoảng 2-3 gia đình còn làm nghề này.

Các công đoạn làm chuồn chuồn tre là cào tinh tre, phơi khô, cắt chia từng bộ phận cánh, thân, mỏ, vót thân uốn mỏ cong, lắp ghép cánh vào thân và cuối cùng là sơn vẽ. Khó nhất là khâu chắp cánh vào thân làm sao để con chuồn chuồn đậu lên cây vững vàng, cân đối. Lực đối xứng phải chuẩn thì con chuồn chuồn mới đậu được, mới đạt được yêu cầu. Không chỉ làm chuồn chuồn không mà làng còn làm có cả con chim, bướm hoặc con công, con rùa.

Nhìn bề ngoài, những tưởng chuồn chuồn tre chỉ là món đồ chơi nhỏ xinh đơn giản làm từ tre nứa, song để làm ra được một sản phẩm này lại mất khá thời gian và nhiều công sức. Đặc biệt, nguyên liệu sử dụng phải là tre khô tự nhiên, không được sử dụng tre ngâm, bị mối mọt... Để làm ra một chú chuồn chuồn hoàn chỉnh phải trải qua khoảng 12 công đoạn, đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn, tỉ mỉ và chính xác.
 
Theo anh Tái, quan trọng nhất là khâu ghép cánh vào thân.Phải gắn chuồn chuồn sao cho chúng luôn giữ được thăng bằng bởi “nhất dáng nhì da”, “cái dáng là linh hồn của sản phẩm”. Muốn vậy, hai cánh chuồn chuồn phải được căn đối xứng thật chính xác để chuồn chuồn tự thăng bằng khi đậu trên đế hay trên ngón tay, sợi chỉ.

Để có thể tạo ra sản phẩm đẹp, độc, lạ, những chú chuồn chuồn còn được quét sơn và vẽ họa tiết trang trí trên thân và cánh. Những họa tiết này đều do người thợ tự tay vẽ lên, lấy cảm hứng từ chính cuộc sống thôn quê xung quanh họ.

 

Để làm được một con chuồn chuồn tre, người làm phải mất rất nhiều thời gian, công sức từ lên rừng đốn tre trúc, rồi đến chẻ thanh, vót nhẵn, khoan lỗ, tra cánh, sơn, vẽ họa tiết, phơi khô… Không những thế, người làm phải đam mê, đo đạc cẩn thận, tính toán kĩ lưỡng mới cho ra được một sản phẩm đẹp và có thể đứng bằng. Một ngày trung bình mỗi người làm được 200 con chuồn chuồn. Trừ chi phí đi thì mỗi gia đình 3 người làm nghề như nhà anh Tái thu nhập được 10 triệu đồng/tháng.

Có những đơn hàng trăm ngàn con của khách tận Sài Gòn, Nha Trang, Nghệ An… đem đồ chơi ngộ nghĩnh này đến hàng nghìn lễ hội lớn nhỏ trên khắp đất nước. Nhiều du khách nước ngoài vô tình mua được chuồn chuồn tre ở lễ hội đã tìm về tận làng chùa Tây Phương để đặt hàng mang về nước. Hiện tại, mặt hàng này được xuất khẩu sang Nhật, Pháp, Anh… qua công ty mỹ nghệ. Anh Tái cho biết: “Khách muốn mua chuồn chuồn tre ở làng này phải đặt từ tháng trước mới có hàng, mỗi tháng nhà tôi xuất đi hàng vạn con các loại cho các tỉnh và nước ngoài”.

Bằng đôi bàn tay khéo léo và tính sáng tạo của những “nghệ nhân” làm chuồn chuồn, hiện nay họ đã đa dạng hóa mặt hàng làm bằng tre như làm công, chim bồ câu, bướm, rùa… Để làm được một món đồ chơi mới, người tạo ra chúng phải đo đạc nghiên cứu đến cả tuần trời. Những sản phẩm này cũng được nhiều người mua về làm quà tặng và xuất khẩu sang nước ngoài.

Những năm gần đây, gia đình anh Tái đã kết hợp với một số tổ chức xã hội như Trung tâm Nghiên cứu và bảo trợ trẻ em Cenforchil (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam), tổ chức MyHanoi (Việt Nam) thực hiện dự án nghiên cứu và bảo tồn đồ chơi Việt. Có nhiều người ở nơi xa cũng tìm hiểu, mày mò đến Thạch Xá học làm nghề.Đây là một tín hiệu tốt để nghề thủ công truyền thống của Việt Nam ngày càng phát triển.

Chuồn chuồn tre là đồ chơi thú vị, hấp dẫn trẻ em, là món đồ trang trí đẹp mắt trong tổ ấm gia đình.Chuồn chuồn tre là món quà lưu niệm mộc mạc, đậm chất làng quê Việt Nam. Những người thợ lành nghề Thạch Xá khéo léo tạo ra những chú chuồn chuồn tre xinh xắn, dễ thương, đưa nét đẹp văn hóa của làng quê Việt Nam bay xa.

Đến nay, sản phẩm chuồn chuồn của làng Thạch Xá đã “bay” khắp cả nước từ Bắc vào Nam, thậm chí còn được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật… Anh Tái tự hào: “Khách du lịch, nhất là khách nước ngoài, vào tận nhà tôi xem quá trình sản xuất. Mới đầu họ không thích, nhưng khi biết chuồn chuồn có thể đứng trên hầu hết các bề mặt có điểm tựa, họ thích lắm!”.
                                                                             Theo: baochinhphu.vn
Xem thêm:
>> :Hướng đi nào cho chuồn chuồn tre nói riêng và hàng thủ công mỹ nghệ nói chung?

 

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

22
Đang xem:
72.467.165
Tổng truy cập: