TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Câu chuyện chấn hưng nghệ thuật dân tộc bằng con đường xã hội hóa: “Nhiều người chào thua, chúng tôi thì… không”
(Ngày đăng: 16/07/2018   Lượt xem: 236)

Số hoá tư liệu, chân dung các nghệ sĩ sân khấu tiêu biểu, xây dựng các live show chân dung của các nghệ sĩ nổi tiếng của nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu, dàn dựng các chương trình nghệ thuật có chất lượng để làm thí điểm cho các đơn vị nghệ thuật sân khấu... NSND Thuý Mùi đã có những “bật mí” riêng với Văn Hoá khi vừa nhận vai trò là Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật sân khấu trực thuộc Hội Nghệ sĩ sân khấu VN.

 NSND Thuý Mùi với các nghệ sĩ trẻ Hà Nội

Nhiều người tỏ ra vui mừng khi biết “nữ tướng” của làng chèo, một người năng động, dám nghĩ, dám làm nhận vai trò Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật sân khấu, hy vọng nghệ thuật sân khấu sẽ được chấn hưng từ những hoạt động của Trung tâm?

- Bất kỳ một nghệ sĩ nào tâm huyết với nghệ thuật sân khấu đều không khỏi lo lắng khi chứng kiến cảnh các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật đang chật vật để tồn tại, lo lắng chồng chất vì thời hạn phải tự chủ về mọi mặt đã rất gần, nhiều đơn vị đối diện với nguy cơ phải sáp nhập... Chúng tôi muốn đưa ra những cách làm, những mô hình thí điểm để tháo gỡ những khó khăn cho sân khấu, đặc biệt là với sân khấu truyền thống.

Hiện nay, Trung tâm đang triển khai hai dự án. Đầu tiên là phối hợp với Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Hà Nội và các đơn vị lữ hành tổ chức biểu diễn, giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống tại làng nghề và di tích trên địa bàn Hà Nội. Chúng tôi đã thí điểm biểu diễn các loại hình diễn xướng như cải lương, chèo, chầu văn, ca trù… miễn phí tại làng lụa Vạn Phúc và làng gốm sứ Bát Tràng vào thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần. Các buổi diễn được người dân và du khách quan tâm. Đại diện các làng nghề cũng ủng hộ hoạt động này. Dự án thứ hai của Trung tâm là số hóa tư liệu, chân dung các nghệ sĩ sân khấu tiêu biểu. Bảo tồn sân khấu không chỉ liên quan tới các tác phẩm mà còn phải trân trọng những tài năng đã, đang đóng góp cho sân khấu. Việc làm này cũng giúp cho các nghệ sĩ trẻ dễ dàng tiếp cận với thế hệ đi trước để học hỏi, tạo động lực phấn đấu. Hiện Trung tâm đã tập hợp được khối lượng băng đĩa, hình ảnh khá lớn do các nghệ sĩ, lãnh đạo tiền nhiệm để lại. Kho tư liệu này còn được sử dụng để hỗ trợ cho các dự án của Trung tâm như chương trình tôn vinh nghệ sĩ sân khấu tiêu biểu, rồi trưng bày giới thiệu với người dân và du khách… Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn xây dựng một trung tâm dành cho các nghệ sĩ sân khấu cao tuổi, không nơi nương tựa tại Hà Nội; mở rộng giới thiệu các loại hình sân khấu ở ba miền... Tuy nhiên, những công việc này phải triển khai dần dần.

Các chương trình biểu diễn sân khấu dài hơi như vậy cần nguồn nhân lực nhất định, mà trong tay không có “quân” thì làm sao thực hiện được, thưa bà?

- Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị nghệ thuật truyền thống của trung ương và Hà Nội để tổ chức biểu diễn thật chuyên nghiệp. Các nghệ sĩ đã nghỉ hưu còn tâm huyết với nghề và còn sức lực cống hiến đã được mời đồng hành trong những chương trình này. Ngoài ra, chúng tôi tạo điều kiện cho sinh viên những năm cuối của Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội tham gia biểu diễn cùng những nghệ sĩ thành danh, để các em học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Tôi đã mời được một lực lượng khá đông gồm nghệ sĩ diễn viên của các đoàn nghệ thuật truyền thống, Nhà hát Thể nghiệm của Trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, sinh viên năm thứ 3, thứ 4, có sự kết nối diễn với các nghệ sĩ đã thành danh, các nghệ sĩ đã nghỉ hưu còn rất yêu nghề, tâm huyết nghề.

Có ý kiến lo ngại với phương thức hoạt động xã hội hóa bắt buộc phải chạy theo lợi nhuận thì liệu chất lượng của các chương trình do Trung tâm xây dựng có được đảm bảo hay không?

- Đúng là hiện nay khi hoạt động trong cơ chế thị trường rất nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn chỉ quan tâm tới lợi nhuận mà không quan tâm tới đầu tư chất lượng cho các chương trình. Với Trung tâm thì khác, chất lượng là yếu tố quan trọng đầu tiên. Muốn gây dựng thương hiệu, đơn vị nghệ thuật ấy phải biết lấy yếu tố giải trí làm trọng và cân bằng với yếu tố nghệ thuật. Nếu một trong hai yếu tố ấy quá nặng, các chương trình sẽ có vấn đề. Tôi và các nghệ sĩ tham gia Trung tâm nói không với các chương trình nhảm nhí, dễ dãi.

Chúng tôi đang đề nghị Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam cho triển khai tổ chức thường xuyên tại hội trường 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Nếu được đồng ý, ở đây chúng tôi sẽ tổ chức các chương trình có quy mô nhỏ gọn, nghiêng về tính học thuật. Hướng tới số đông thì sẽ có các liveshow riêng về các nghệ sĩ nổi tiếng. Trước mắt sẽ là một chương trình sân khấu đặc biệt mừng Giỗ tổ sân khấu năm 2018. Một đơn vị đã đề nghị chúng tôi tổ chức một điểm biểu diễn thường xuyên để phục vụ khách du lịch ở Hội An nhưng chúng tôi chưa dám nhận lời vì xa quá. Khi xây dựng các dự án, tôi đã xác định khó khăn trước mắt sẽ rất nhiều, mình cần khắc phục dần dần. Làm ở làng nghề hay trụ sở Liên hiệp, số lượng khách không nhiều, nếu giới thiệu một nghệ sĩ trong 2, 3 đêm sẽ rất tuyệt vời. Nghệ sĩ biểu diễn vì thấy mình được trân trọng, quan tâm. Hơn nữa, thù lao cho nghệ sĩ truyền thống không quá cao như các loại hình khác, chỉ vài trăm nghìn đến tiền triệu một buổi biểu diễn. Khán giả thì được thưởng thức nghệ thuật mà mình yêu mến. Nguồn kinh phí cho các chương trình này phải từ xã hội hóa.

Nhiều người đã phải chào thua khi dấn thân vào làm sân khấu xã hội hóa ở Thủ đô. Chị có tự tin sẽ đủ tiền để duy trì các điểm diễn, tổ chức các liveshow không?

- Tôi cho là khả năng nằm trong tầm tay mình, chúng tôi sẽ làm, chào thua sao được. Ví dụ chương trình mừng Giỗ tổ sân khấu 2018, hiện chúng tôi đã lo xong về mặt kinh phí. Thực tế tôi thấy có nhiều nhà hảo tâm rất yêu sân khấu, các nghệ sĩ nổi tiếng của sân khấu truyền thống. Họ đã từng ngồi hát cho Thúy Mùi nghe cả Chèo, cả Cải lương, say mê hát cùng với nghệ sĩ. Tất nhiên là tôi không lạm dụng lòng tốt của họ mà vì giữa tôi với họ có chung một đam mê là sân khấu. Họ tài trợ cho tôi làm chương trình thì tôi hỗ trợ ngược lại bằng hình thức gửi giấy mời, vé đi xem biểu diễn. Đây cũng là cách đánh thức tình yêu với sân khấu, để khán giả thỏa mãn tình yêu với các nghệ sĩ ngôi sao họ yêu mến. Trước đây có hỗ trợ của Nhà nước rồi thì nhà tài trợ không quan tâm, cho là bỏ tiền vào không để làm gì. Khi Thúy Mùi đặt vấn đề là mình đang phải “tay không bắt giặc” thì họ nói làm đi, nếu làm việc gì thiết thực cho sân khấu thì sẽ hỗ trợ. Có khó khăn là khi mình không kêu gọi được tài trợ, thiếu kinh phí cho hoạt động. Nhưng, nếu vượt qua được bước này rồi mình sẽ được chủ động tất cả những gì mình muốn làm. Đây cũng là lợi thế, có khó khăn nhưng cũng có lợi thế. 
                                                                          Theo: vanhien.vn

 

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.461.748
Tổng truy cập: