TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Hàng loạt hợp tác xã "sống mà như chết": Cái chết được báo trước
(Ngày đăng: 27/04/2018   Lượt xem: 293)

Ở tỉnh Quảng Nam, mỗi năm có hàng chục hợp tác xã (HTX) thành lập mới nhưng cũng có không ít HTX nổi tiếng lâu đời không trụ nổi phải giải thể

 

Giải thể cuối năm 2017 sau 40 năm thành lập, HTX Tơ lụa Mã Châu (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) như cái kết buồn của một làng nghề tồn tại gần 400 năm.

Hợp - tan tơ lụa Mã Châu

Đến đây, chúng tôi không thể hình dung đó là nơi từng tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân khi nhìn những bức tường cũ kỹ đã xây dựng 40 năm chưa một lần được sửa chữa; hệ thống máy móc, khung cửi bị hư hỏng vứt bỏ ngổn ngang...

Ông Trần Hữu Phương - trước là Giám đốc HTX, bây giờ là Giám đốc Công ty TNHH Lụa Mã Châu - cho biết HTX Tơ lụa Mã Châu thành lập năm 1978, có tên HTX Ươm dệt Nam Phước. Qua 3 lần đổi tên, đến năm 2017 thì giải thể. Ban đầu, HTX có đến 303 xã viên cổ đông. Từ khi thành lập đến năm 1990 là giai đoạn phồn thịnh nhất. Lúc đó, riêng huyện Duy Xuyên có hơn 2.000 ha dâu tằm do nông dân trồng. Những tỉnh lân cận như Quảng Bình, Quảng Ngãi, Đắk Lắk cũng nuôi tằm bán kén cho HTX ươm tơ dệt lụa.

Hàng loạt hợp tác xã sống mà như chết: Cái chết được báo trước - Ảnh 1.

Ông Trần Hữu Phương thuê lại khuôn viên trụ sở Hợp tác xã Tơ lụa Mã Châu để mở công ty

Sau năm 1990, khi đất nước mở cửa hội nhập, công nghệ dệt truyền thống không thể cạnh tranh nổi với công nghệ dệt may hiện đại, hàng may mặc ngoại nhập vừa rẻ lại đa dạng mẫu mã dần thay thế sản phẩm từ tơ lụa. HTX rơi vào thoái trào, hoạt động khó khăn, người dân dần phá bỏ diện tích trồng dâu nuôi tằm để trồng các loại cây có giá trị kinh tế hơn. Từ 303 cổ đông ban đầu, đến năm 2007, HTX chỉ còn 16 và đến năm 2013 chỉ còn 5 cổ đông.

Là người lèo lái trong 10 năm cuối cùng, ông Phương cho rằng cái chết của HTX Tơ lụa Mã Châu là điều không thể tránh khỏi. Theo ông, HTX hoạt động theo cơ chế tập thể, khi ngành tơ lụa gặp khó khăn, nhiều xã viên không còn mặn mà nên muốn kêu gọi nâng cấp nhà xưởng, thay đổi máy móc, thiết bị để có thể cạnh tranh với thị trường thường gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, suốt 40 năm hoạt động, nhà nước gần như không hỗ trợ gì.

"Vấn đề cấp thiết nhất là vốn. Tuy nhiên, việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi lại rất khó khăn vì yêu cầu phải có tài sản thế chấp. HTX thì tài sản đâu ra, máy móc thủ công, tự chế tạo, không có giấy tờ hồ sơ gì hết; còn nhà xưởng thì xây dựng 40 năm rồi, cuối cùng chẳng giải quyết được. Trong khi đó, những thứ mà nhà nước hỗ trợ như làm sân bê-tông, cho trạm biến áp riêng lại không phải là nhu cầu cấp thiết của HTX" - ông Phương nói.

Khoảng năm 2012, khi hoạt động theo mô hình mới, HTX thua lỗ 4-5 năm liên tiếp, các xã viên hụt hẫng, mất niềm tin. Lúc này, ông Phương đứng ra tổ chức hoạt động nhưng đến năm 2017, Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam kiểm tra thấy không đủ 7 xã viên như quy định nên phải giải thể.

Bên bờ vực phá sản

HTX Nông nghiệp Tam Phước 1 (xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) dù chưa "chết" nhưng cũng đang trên bờ vực thẳm.

Nằm bên một cánh đồng, nếu không được giới thiệu thì ai cũng nghĩ đó là một khu nhà hoang chứ không phải trụ sở HTX. Tài sản quý giá nhất của HTX Nông nghiệp Tam Phước 1 là dãy nhà cấp 4 xập xệ, được xây dựng từ thời bao cấp.

"Làm ăn tệ lắm. HTX có hoạt động chi nhiều đâu, chỉ làm giống theo vụ thôi. Dãy nhà làm việc từ thời bao cấp để lại, sau bao nhiêu năm, cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng HTX không có kinh phí sửa chữa" - ông Đoàn Ngọc Dung, Giám đốc HTX Tam Phước 1, thông tin.

 

Hàng loạt hợp tác xã sống mà như chết: Cái chết được báo trước - Ảnh 2.

Trụ sở HTX Nông nghiệp Tam Phước 1 chẳng khác nào một khu nhà bỏ hoang lâu ngày

Ông Dung cho biết HTX Tam Phước 1 ra đời năm 1979. Trước đây, HTX còn kinh doanh điện và thu thủy lợi phí thì nguồn thu cũng dồi dào. Có thể nói đây là nguồn chính duy trì sự sống của HTX để phục vụ phát triển sản xuất cho xã viên và nuôi sống bộ máy lãnh đạo. Thế nhưng, từ khoảng năm 1990, khi HTX không còn 2 nguồn thu trên thì hoạt động gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, HTX có 3 người trong HĐQT, 6 thành viên gián tiếp, 10 đội sản xuất. Theo ông Dung, dù mang danh là "giám đốc" nhưng ông cũng như các thành viên khác không hề có quyền hành gì.

Từ năm 2000 đến nay, HTX hoạt động cầm chừng, chủ yếu dựa vào nguồn giống hợp tác với các công ty. HTX nhận giống về cho xã viên sản xuất, sau đó thu mua lại cho công ty. Mỗi vụ ròng rã 4 tháng, HTX thu được khoảng vài chục triệu đồng. Trừ các chi phí, mỗi xã viên chỉ được khoảng 1,5-2 triệu đồng.

"Mình gắn bó mấy chục năm rồi, giờ cũng toàn mấy anh em lớn tuổi, làm phụ thêm vậy thôi chứ thu nhập chính chủ yếu làm nông ở nhà. Lớp chúng tôi nghỉ thì chắc HTX giải tán luôn, không duy trì được nữa vì lớp trẻ không mặn mà" - ông Dung chia sẻ và cho biết nhiều HTX trên địa bàn xã Tam Phước cũng rơi vào cảnh khó khăn như Tam Phước 1.

"Của mình nên dễ làm"

Sau khi HTX Tơ lụa Mã Châu giải thể, ông Trần Hữu Phương thuê lại đất, đứng ra thành lập công ty. Trước đây, nguồn vốn không có nên HTX không tạo ra lụa thành phẩm mà phải liên kết với các làng nghề khác. Lụa Mã Châu chỉ dệt ra hàng thô rồi bán cho các làng nghề tơ lụa khác nên lợi nhuận rất thấp và thương hiệu lụa Mã Châu cũng không còn trên thị trường. Từ khi thành lập công ty, ông xây dựng chiến lược khôi phục thương hiệu lụa Mã Châu, sản xuất lụa thành phẩm rồi xây dựng các kênh bán lẻ, bán hàng qua mạng, trưng bày, giới thiệu sản phẩm đến du khách ở Hội An... Thị trường đầu ra đã biến chuyển sáng sủa hơn, nhu cầu thị trường cao nhưng công ty ông chỉ đáp ứng được khoảng 10%-20%.

"Giờ của mình rồi nên dễ làm, không phải như ngày trước người này chờ người kia, có muốn làm cũng rất khó khăn. Với sự khởi sắc như hiện tại, chúng tôi sẽ cố gắng vực dậy để lụa Mã Châu không bị thất truyền" - ông Phương kỳ vọng.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-4
Kỳ tới: Thành lập dễ, giải thể khó!
                                                                             
     Theo: nld.com.vn
 

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

18
Đang xem:
72.466.056
Tổng truy cập: