TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Tiến tới Đại hội lần thứ IV Hiệp hội Làng nghề Việt Nam ( Bài 01) BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA DÂN TỘC
(Ngày đăng: 19/12/2017   Lượt xem: 999)
Langnghevietnam.vn - Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đang triển khai nhiều hoạt động tiến tới Đại hội lần thứ IV của Hiệp hội. Đây là một dịp để nhìn lại không chỉ hoạt động của Hiệp hội trong thời gian qua, mà quan trọng hơn nữa là tìm ra được phương hướng bảo tồn và phát triển làng nghề trong thời kỳ phát triển mới của đất nước – khi nền kinh tế được cơ cấu lại, chuyển đổi mô hình phát triển. hướng tới năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Ông Vũ Quốc Tuấn Chuyên gia cao cấp - Hiệp hội làng nghề Việt Nam ( Ảnh Internet)

Nhân dịp này, xin phát biểu một số ý kiến đóng góp vào sự chuẩn bị chung này. Bài này tập trung vào vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của sản phẩm làng nghề, coi đây là chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam

Về khái niệm “Văn hóa”

Trước hết, xin trình bày tóm tắt một số khái niệm để cùng thống nhất cách hiểu khi bàn các vấn đề cụ thể.
Văn hóa
là một khái niệm rất rộng, trên thế giới, đã có hàng trăm định nghĩa khác nhau, tùy theo các góc độ khác nhau. Qua nhiều định nghĩa, có thể nói “Văn hóa” là sản phẩm của loài người; song, chính văn hóa lại tham gia vào việc tạo nên con người, đồng thời duy trì sự bền vững và trật tự xã hội, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Văn hóa là trình độ phát triển của con người và của xã hội được biểu hiện trong các kiểu và hình thức tổ chức đời sống và hành động của con người trong từng thời kỳ lịch sử. Nói tóm tắt: Văn hóa là tổng thể những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên xã hội. Văn hóa bao gồm từ những sản phẩm tinh vi, những công trình xây dựng cho đến phong tục, tập quán, học vấn, lối sống của con người, v.v…tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc kia. Dù xã hội có phát triển đến mức nào, khoa học, công nghệ tiến bộ đến đâu, văn hóa của mỗi dân tộc luôn luôn được bảo tồn và phát huy, không thể để văn hóa suy thoái, càng không để văn hóa mất đi, vì mất văn hóa là mất tất cả. Điều rất đáng tự hào là, mặc dù đô hộ nước ta cả nghìn năm, dùng mọi thủ đoạn hòng “đồng hóa” dân tộc ta, các triều đại phong kiến Trung Hoa vẫn thất bại, dân tộc ta vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của mình, lưu truyền cho đến ngày nay.
Theo các nhà nghiên cứu, có văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể , được coi là hai bộ phận hữu cơ liên quan chặt chẽ với nhau, cấu thành kho tàng di sản văn hóa của một dân tộc. Văn hóa vật thể là cái hữu hình, tồn tại dưới dạng vật chất, chứa đựng những hồi ức sống động của loài người, là bằng chứng vật chất của các nền văn hóa, văn minh nhân loại. Văn hóa phi vật thể là cái vô hình, được lưu truyền và biểu hiện bằng hình thức truyền miệng, truyền nghề, trình diễn, tập quán xã hội, tín ngưỡng, lễ hội, v.v… và các dạng bí quyết nghề nghiệp, thường được biểu hiện thông qua các phương pháp, phương thức sản xuất, sáng tác của các nghệ nhân dân gian - những chủ thể sáng tạo văn hóa và chủ sở hữu các di sản văn hóa.

Văn hóa làng nghề Việt Nam

Ở nước ta, chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Mọi hoạt động kinh tế phải đặt con người ở vị trí trung tâm của sự phát triển. Phải chú trọng khai thác văn hóa như một nguồn lực đặc biệt để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, văn hóa làng nghề, dịch vụ văn hóa và du lịch văn hóa… Trong các làng nghề, chúng ta cũng phải coi việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa làng nghề theo các quan điểm nói trên.
Đối với làng nghề, khái niệm Văn hóa làng nghề có nội dung rất rộng, bao quát từ sản xuất, kinh doanh đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng, thái độ ứng xử giữa con người với nhau và với thiên nhiên, môi trường trong mỗi làng nghề, quan hệ giữa văn hóa làng xã truyền thống với văn hóa làng nghề, v.v… Trong bài này, xin không đề cập các nội dung ấy, mà chỉ tập trung vào nội hàm văn hóa trong các sản phẩm thủ công mỹ nghệ - là sản phẩm tiêu biểu và đặc trưng nổi bật của các làng nghề nước ta.
Thực tế cho thấy, trong mỗi sản phẩm làng nghề, đều thể hiện văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Văn hóa vật thể biểu hiện qua các sản phẩm vật chất, như các loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, tiêu biểu là các sản phẩm lưu truyền từ hàng trăm năm nay, như gốm sứ, tơ lụa, mây tre đan, sản phẩm thêu, điêu khắc gỗ, mỹ nghệ vàng bạc, v.v… Đáng chú ý là trong mỗi sản phẩm ấy, mỗi hình dáng, mẫu mã, từng nét vẽ, đường kim mũi chỉ… đều có những nét riêng biệt thể hiện đặc trưng tinh hoa văn hóa của từng dòng sản phẩm, từng làng nghề, từng địa phương, thậm chí của từng nghệ nhân.
Chính vì thế, mới có các loại hoa văn rất khác nhau giữa các dòng tơ lụa, gốm sứ, những tượng gỗ sống động khác nhau giữa các làng nghề đồ gỗ. Cũng như vậy, mẫu mã rất khác nhau giữa giữa các dòng mỹ nghệ kim hoàn, tranh thêu, v.v… 
Trong làng nghề, nghề thủ công truyền thống được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể (theo khoản (e) Điều 2 Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể thông qua ngày 17/10/2003). Văn hóa phi vật thể biểu hiện qua các thao tác, phương pháp, kỹ năng tạo ra sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề; cũng như các công cụ, nguyên liệu, vật liệu, đồ tạo tác, v.v… của người lao động trong quá trình sản xuất; mỗi loại sản phẩm có quy trình sản xuất riêng biệt. Quy trình, phương pháp sản xuất này có thể ghi thành giáo trình, bài giảng, nhưng khi thực hành, thì kết quả có thể khác nhau, mặc dù cũng dùng những công cụ, nguyên vật liệu như nhau; đó là do tài năng, tay nghề của người lao động, có khi là bí quyết nghề nghiệp được truyền nối từ mỗi gia đình. Chính vì thế, mới có sự khác nhau giữa phương pháp sản xuất của từng dòng sản phẩm, dù cũng là tơ lụa, sản phẩm gốm sứ hoặc gỗ, vàng bạc, v.v…
Trong thời kỳ mới, với những tiến bộ của khoa học, công nghệ đang diễn ra rất nhanh chóng, thì phương pháp chế tác, sản xuất của các sản phẩm làng nghề có thể ứng dụng nhằm nâng cao năng suất, giảm lao động cơ bắp hoặc giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hạ giá thành. Tuy nhiên, dù sử dụng công cụ gì, nguyên vật liệu gì, thì sản phẩm có bản sắc văn hóa riêng vẫn là do con người sáng tạo ra, bằng tài năng, trí tuệ của mỗi người lao động, đặc biệt là những sản phẩm thủ công đạt mức mỹ thuật, kỹ thuật cao.
Những điều trình bày trên đây dẫn đến kết luận: trong mỗi sản phẩm làng nghề, văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể cùng gắn bó với nhau, mang đậm màu sắc văn hóa của dân tộc ta, tạo nên những khác biệt với các sản phẩm đồng dạng của nước ngoài. Những điểm khác biệt giữa những dòng sản phẩm ấy cần được nhấn mạnh, bảo tồn và phát triển trong quá trình sáng tạo sản phẩm làng nghề, để sản phẩm làng nghề ngày càng đa dạng, phong phú. Nói cách khác, đó chính là di sản văn hóa của các làng nghề truyền thống được kế thừa từ các thế hệ trước, đã duy trì đến hiện nay và dành cho các thế hệ mai sau, góp phần vào kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Di sản văn hóa này cần được quảng bá rộng rãi với khách du lịch trong nước và nước ngoài. Trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế ngày nay, văn hóa làng nghề chúng ta sẽ góp phần vào kho tàng văn hóa thế giới, đồng thời tiếp thu những giá trị văn hóa của các ngành nghề thủ công mỹ nghệ thế giới, làm phong phú thêm văn hóa làng nghề nước ta.
Tư duy về văn hóa làng nghề - cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể ẩn dấu trong mỗi sản phẩm cần được quán triệt trong tất cả các khâu của quá trình tạo ra sản phẩm, từ thiết kế, tạo dáng, đến sử dụng nguyên vật liệu và các công đoạn, thao tác trong sản xuất cho đến các khâu trong giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, kể cả trong du lịch làng nghề. Khâu đầu tiên của cả quá trình là ý tưởng, thiết kế, tạo dáng sản phẩm cần được quan tâm. Đồng thời, cần chăm sóc, tôn vinh  và phát huy đội ngũ các nghệ nhân là những người vừa thể hiện ý tưởng sáng tạo của thiết kế, tạo dáng vào sản xuất, vừa tiếp tục sáng tạo mẫu mã mới.
Tóm lại
, chúng ta thường nói: chức năng, nhiệm vụ của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam là giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị của làng nghề truyền thống Việt Nam, điều đó là đúng, song, từ thực tiễn, có thể khẳng định rằng nội dung cốt lõi trong giá trị của làng nghề chính là giá trị văn hóa trong mỗi sản phẩm mà chúng ta cần trân trọng, nâng niu, gìn giữ và phát huy. Mong rằng tư duy “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội” được thấm nhuần trong hoạt động của Hiệp hội; cũng mong rằng những suy nghĩ trên đây được đồng thuận, trở thành nội dung tư tưởng chủ yếu xuyên suốt trong chức năng, nhiệm vụ của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trong thời gian tới.

Tháng 12 năm 2017

Kỳ sau: Thời kỳ mới, bước phát triển mới của làng nghề

                                                                                                             CGCC. Vũ Quốc Tuấn

                           Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, nguyên Chủ tịch HHLN Việt nam khóa 1&2


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.464.673
Tổng truy cập: