TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Già làng, nghệ nhân hiến kế “cứu” bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số
(Ngày đăng: 24/04/2017   Lượt xem: 380)
Trăn trở về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS) khỏi tình trạng có nguy cơ mai một, mất bản sắc văn hóa; đề xuất các giải pháp hữu hiệu, cơ chế chính sách đặc thù phù hợp để bảo tồn văn hóa các dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển… đã được các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người uy tín vùng đồng bào DTTS đưa ra trong hội nghị, hội thảo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.

Trăn trở trước những mất, còn của văn hóa

Từ năm 2008, sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 19-4 hằng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, những cuộc gặp mặt già làng, trưởng thôn, trưởng bản, nghệ nhân, người uy tín vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới, xã đặc biệt khó khăn đã được Bộ VH-TT&DL tổ chức. Theo bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VH-TT&DL), ngoài ý nghĩa tạo nên cuộc gặp gỡ cởi mở nhằm tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật mới của Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS thì đây còn là cơ hội để các nhà quản lý, nhà nghiên cứu được nghe những tâm tư, nguyện vọng và ý kiến của các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người uy tín để cùng tìm ra những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc có hiệu quả.

Năm nay có 120 đại biểu là các già làng, trưởng thôn, bản, nghệ nhân, người có uy tín các dân tộc khu vực phía Bắc về Hà Nội. Bên cạnh những hoạt động gặp gỡ thân tình, các già làng, trưởng bản, nghệ nhân cùng ngồi với các nhà quản lý, nhà nghiên cứu để nói lên nỗi đau đáu trước sự mất, còn của phong tục tập quán, bản sắc dân tộc mà đồng bào mình đang phải đối mặt.

Nghệ nhân hát then Hà Văn Thuấn (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) cùng các con cháu của mình bền bỉ giữ gìn nghệ thuật hát Then, đàn Tính của dân tộc Tày. 
Nghệ nhân Bàn Văn Đức, dân tộc Dao Tiền ở Sơn La, bày tỏ: Bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Dao thể hiện ở 3 nghi lễ: Cấp sắc, lễ cưới và nghi lễ cầu mùa dòng họ. Hiện nay, lễ cấp sắc đã được Bộ VH-TT&DL công nhận đưa vào danh mục Di sản văn hóa cấp quốc gia, 2 nghi lễ còn lại thì chưa. Bên cạnh đó, bộ sách chữ Dao cổ chưa được hoàn thiện cũng như chưa nhận được sự quan tâm từ các cấp quản lý, chữ Dao cổ là một trong những yếu tố không thể thiếu trong nghi lễ cấp sắc. Hiện các nhà nghiên cứu, nghệ nhân cũng rất khó khăn trong việc tìm người viết chữ, hiểu chữ Dao cổ. Đề xuất mà nghệ nhân Bàn Văn Đức đưa ra là, các cấp quản lý văn hóa cần có chính sách cấp kinh phí để tổ chức mở lớp dạy chữ Dao cổ, dạy các câu tục ngữ, bài hát dân ca, trình diễn nghi lễ…

Câu chuyện của nghệ nhân Ma Thanh Sợi (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) cũng nặng trĩu tâm tư. Hơn 20 năm nay, ông đã đi khắp các thôn, bản để sưu tầm những phong tục tập quán, làn điệu hát ru của dân tộc Tày. Đến nay, ông đã tự nghiên cứu và biên soạn được 12 công trình nhưng không có bất cứ một nguồn đầu tư, hỗ trợ kinh phí nào. Dù vậy, những sưu tầm của nghệ nhân Ma Thanh Sợi cũng đã góp phần sống động trong công trình văn hóa dân gian của các nhà nghiên cứu, nhiều địa phương mở CLB hát ru dân ca Tày, dàn dựng những tiết mục biểu diễn trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật của tỉnh, của quốc gia… Nghệ nhân Ma Thanh Sợi thẳng thắn ý kiến: “Bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Tày ở huyện Bảo Yên đang bị xâm hại, mất dần đi, có nhiều nét đã mất hẳn. Mất văn hóa dân tộc sẽ tạo ra một lớp “người lửng” (chẳng với tới nền văn hóa hiện đại, cũng không hiểu nền văn hóa gốc của mình)...

Cần có những chính sách đúng mức

Nghệ nhân Lò Văn Biến (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) hiện đang nắm giữ nhiều hiện vật, tư liệu của nghệ thuật xòe Thái, lễ cấp sắc của dân tộc Dao, hát Then của dân tộc Tày… được ông trực tiếp nghiên cứu, dịch ra tiếng Việt. Phần lớn các tư liệu của ông sưu tầm nghiên cứu đang là những tư liệu quý giá góp vào việc hoàn thiện Hồ sơ di sản văn hóa xòe Thái và đàn Tính, hát Then dân tộc Tày trình lên Chính phủ và tiến tới trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Thế nhưng theo nghệ nhân Lò Văn Biến, thực tế nhiều giá trị văn hóa của các loại hình phi vật thể kể trên đang dần mai một. Theo nghệ nhân, nguyên nhân sâu xa chính là trong cộng đồng sở hữu các giá trị văn hóa chưa hiểu được sự cần thiết phải bảo tồn và phát huy. Đặc biệt, các cán bộ cấp cơ sở vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức việc truyền thụ các giá trị văn hóa trong cộng đồng. Ông Biến đề nghị: “Trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, chúng ta nên tạo những điều kiện tốt nhất cho đồng bào. Dù chỉ là tổ chức những hội diễn quần chúng thì giám khảo khi tham gia cần đáp ứng yêu cầu cơ bản phải hiểu sâu sắc các loại hình thì mới nên tham gia vai trò cầm cân nảy mực”…

Trước những ý kiến đóng góp của các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc sẽ tập trung vào những phương hướng cụ thể. Đó là đầu tư cho Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên; tổ chức các ngày hội VH-TT&DL theo từng vùng, miền; tăng cường thiết chế văn hóa vùng đồng bào dân tộc; đẩy mạnh phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, gặp mặt sinh viên, đồng bào là người dân tộc; cấp kinh phí khôi phục lại các lễ hội của đồng bào… Tuy nhiên, cũng theo ông Huỳnh Vĩnh Ái, nguồn kinh phí này có hạn nên mỗi năm chỉ có thể cấp kinh phí cho hơn 20 lễ hội chính của 54 dân tộc. Ngoài ra, trong thời gian tới sẽ cấp cho Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam kinh phí xuất bản sách sưu tầm phong tục tập quán của đồng bào. Bộ VH-TT&DL cũng giao cho các đơn vị lập hồ sơ để trình UNESCO công nhận một số di sản văn hóa của đồng bào dân tộc, trước mắt hát Then đã được gửi UNESCO; chuẩn bị hồ sơ công nhận Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân trình Chủ tịch nước phong tặng…

                                                                                              Theo: qdnd.vn                                                        

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.408.901
Tổng truy cập: