TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Đến năm 2020, xử lý 104 làng nghề ô nhiễm
(Ngày đăng: 04/05/2015   Lượt xem: 349)
Trong những năm gần đây sự phát triển sản xuất làng nghề đã và đang góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là đối với khu vực nông thôn. Tuy nhiên, việc đưa máy móc và thiết bị hiện đại vào hoạt động tiểu thủ công nghiệp nhưng chưa đầu tư các biện pháp xử lý các loại chất thải, khiến môi trường các làng nghề đang bị ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.



Nhiều làng nghề chưa quan tâm đầu tư 
các biện pháp xử lý các loại chất thải 

Nhiễm kim loại nặng độc hại gấp 3.000 lần quy chuẩn

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến, cả nước hiện có 1.534 làng nghề được công nhận trên tổng số khoảng 4.487 làng có nghề. Số liệu điều tra, kiểm tra môi trường làng nghề của Bộ Tài nguyên và Môi trường một số năm gần đây đã xác định được 104 làng nghề ô nhiễm nhất trên phạm vi cả nước cần phải có kế hoạch xử lý triệt để đến năm 2020, trong đó có những địa phương, mức độ ô nhiễm kim loại nặng độc hại (Cr6+) cao gấp hơn 3.000 lần quy chuẩn cho phép, đây thực sự là con số đáng báo động. 

Như tại làng nghề đúc đồng Đại Bái, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) những năm gần đây cùng với việc phát triển thì môi trường làng nghề ngày càng bị ô nhiễm. Theo ông Nguyễn Công Thành, Bí thư Đảng ủy xã Đại Bái nguyên nhân chủ yếu do rác thải của các hộ làm nghề đúc đồng, cô bã nhôm… đổ bừa bãi ra môi trường, nước thải của các hộ làm nghề (chủ yếu là các hộ làm hàng mỹ nghệ và hàng dân dụng) có hóa chất như axit, sút,… không được quy hoạch vào khu tập trung để xử lý mà đổ trực tiếp ra các lòng sông, ao hồ. Các hộ đúc, cô phế liệu cũng chưa xây dựng ống khói đạt tiêu chuẩn đã ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe người dân trong làng. "Qua kết quả theo dõi của trạm y tế xã tính riêng xóm Trại danh sách tử vong từ năm 2001 đến năm 2014 đã có 23 người chết do các bệnh ung thư. Một con số đáng báo động cho tất cả người dân đang sinh sống tại làng nghề”, ông Thành cho biết.

Còn tại làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm – Hà Nội) hiện có khoảng 1.150 lò nung gốm, trong đó 2/3 là lò gas hiện đại, còn lại là lò truyền thống vẫn nung bằng than củi nên lượng khói than thải vào không khí rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khoẻ của người dân. Theo Trưởng ban Đại diện Làng nghề gốm Bát Tràng Hà Văn Lâm, càng đi sâu vào trong làng ô nhiễm càng nặng. Khắp nơi bao phủ một lớp bụi đất nung, bụi gốm. Con đường vào làng bụi mù mịt, nhất là khi có ôtô chạy qua. Không chỉ thải bụi, trung bình mỗi lò nung gốm bằng than ở Bát Tràng thải ra khoảng 2,5 tấn chất thải rắn cho mỗi mẻ nung. Mặc dù mức độ ô nhiễm là đáng báo động, song người dân chỉ thực hiện các biện pháp đơn giản như phun nước để giảm bụi, đội mũ kín, đeo khẩu trang...

Bám sát các điều kiện về bảo vệ môi trường

Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến nhận định, tỷ lệ bệnh tật tại các khu vực ô nhiễm do làng nghề ngày một gia tăng. Hầu hết các cơ sở tại làng nghề không có biện pháp xử lý chất thải, các loại khí thải, nước thải, chất thải rắn đều xả trực tiếp ra môi trường. Đặc biệt là chất thải của các làng nghề tái chế chất thải (giấy, kim loại, nhựa), dệt nhuộm sử dụng hóa chất công nghiệp không được xử lý đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khỏe người dân.

Để giải bài toán ô nhiễm tại các làng nghề theo Thứ trưởng Tuyến, trước mắt cần triển khai từng bước theo lộ trình đã được xác định tại Đề án bảo vệ môi trường làng nghề của Chính phủ. Việc công nhận làng nghề đòi hỏi phải bám sát các điều kiện về bảo vệ môi trường. Với các làng nghề được công nhận, ngoài việc bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường, cần có chính sách hỗ trợ để vừa duy trì hoạt động sản xuất, bảo tồn nét văn hóa, đầu tư xử lý chất thải, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. "Đối với các địa phương có cơ sở sản xuất trên địa bàn dân cư nhưng không được coi là làng nghề cần có sự quản lý nghiêm khắc, chặt chẽ như với các cơ sở sản xuất kinh doanh bình thường khác, cần thiết phải di dời ra khỏi khu vực dân cư đối với các đối tượng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nếu không thể di dời thì phải chuyển đổi ngành nghề sản xuất, hoặc chấm dứt hoạt động trước ngày 1-1-2017 (như quy định tại Thông tư số 46/2011/TT-BTNMT của Bộ TN&MT)”, Thứ trưởng Tuyến khẳng định.
                                                              Theo : daidoanket.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.464.839
Tổng truy cập: